Quy định hữu cơ Châu Âu mới EC(2018/848) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đối với các nhà khai thác tại EU. Đối với các nhà khai thác bên ngoài EU (ví dụ: Việt Nam), Quy định EC (2018/848) sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Hình 1: Logo hữu cơ Châu Âu
Hội đồng Châu Âu đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động để phát triển sản xuất hữu cơ tại EU từ năm 2021-2027 nhằm hướng tới mục tiêu 25% diện tích đất nông nghiệp được áp dụng sản xuất hữu cơ vào năm 2030, nhằm mục đích tăng cường phát triển diện tích sản xuất hữu cơ cũng như thị trường nông sản hữu cơ, vào tháng 5/2020. Trước đây, sản phẩm nông hữu cơ tại thị trường EU đang áp dụng theo các quy định (EU) số 834/2007. Với quy định này, EU cho phép các nước xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn khác đã được đối chuẩn (benchmark) với yêu cầu của EU. Điều này tạo nên sự không đồng nhất về mức chất lượng của các sản phẩm hữu cơ khi áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau, ngoài ra yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ của EU thường cao hơn so với yêu cầu của các tiêu chuẩn khác, do vậy tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các nhà sản xuất hữu cơ ở EU với các nhà sản xuất hữu cơ khác trên thế giới. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, EU cũng phát hiện một số trường hợp các nhà sản xuất có sự không minh bạch trong việc triển khai, áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ khác. Do vậy liên minh Châu Âu đã đưa ra một bộ quy tắc mới theo quy định hữu cơ EU số EC (2018/848) nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, đồng thời ngăn chặn gian lận và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng tại EU về các sản phẩm hữu cơ.
Quy định mới không chỉ kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm, mà còn liên quan đến quản lý đất và sản xuất thực phẩm. Bộ quy tắc đơn nhất này cũng sẽ áp dụng cho các nông dân ngoài EU xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của họ sang thị trường EU. (Quy định EC (2018/848) của Hội đồng Châu Âu đã được ban hành chính thức ngày 30 tháng 5 năm 2018 Về Sản xuất hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ và bãi bỏ Quy định của Hội đồng số EC (2007/834). Quy định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022). Với các quy định mới như vậy sẽ công bằng cho các nhà sản xuất nông nghiệp EU, tuy nhiên điều này sẽ tạo ra thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất hữu cơ ở các nước đang phát triển để có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của quy định mới. Một số nội dung cập nhật mới Quy định hữu cơ của Liên minh Châu Âu EC (2018/848 như sau.
1. Các Nguyên tắc chung của Quy định hữu cơ Châu Âu EC (2018/848)
Sản xuất hữu cơ là một hệ thống quản lý bền vững dựa trên các nguyên tắc chung sau:
- Tôn trọng các chu trình và hệ thống tự nhiên cũng như là duy trì, nâng cao hiện trạng của đất, nước, không khí, sức khỏe của động vật, thực vật và cân bằng giữa chúng.
- Bảo tồn các yếu tổ cảnh quan tự nhiên như các khu di sản thiên nhiên;
- Sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng có trách nhiệm như đất, nước, các vật chất hữu cơ và không khí;
- Sản xuất nhiều loại thực phẩm chất lượng cao cùng như các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm hữu cơ này được sản xuất bằng cách sử dụng các quy trình không gây hại cho môi trường, sức khỏe con người và phúc lợi động vật.
- Đảm bảo tính toàn vẹn của sản xuất hữu cơ ở tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
- Quản lý và thiết kế thích hợp quá trình sinh học, dựa trên các hệ thống sinh thái và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong hệ thống quản lý;
- Hạn chế sử dụng các yếu tố đầu vào từ bên ngoài
2. Chứng nhận nhóm (Group of Operators Certifications) theo tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu EC (2018/848).
Tổ chức chứng nhận (Certification Body – CB) hoặc cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp chứng nhận hữu cơ cho nhóm nhà điều hành đã thông báo về hoạt động sản xuất hữu cơ theo Quy định và tuân thủ các quy định sản xuất hữu cơ. Nhóm nhà điều hành không được lấy nhiều hơn một chứng nhận được cấp từ các tổ chức CB trên một quốc gia thành viên ở tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế và phân phối cho cùng một loại sản phẩm. Các thành viên thuộc nhóm nhà điều hành sẽ không được quyền lấy chứng nhận cá nhân cho bất kỳ hoạt động nào mà nhóm nhà điều hành đã được cấp trong chứng nhận của nhóm.
Hình 2: Mô hình liên kết hộ nông dân ICS
Điều kiện về các thành viên thuộc nhóm nhà điều hành:
(1) các thành viên thuộc nhóm là các hộ nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hoặc người sản xuất tảo, sản xuất động vật thủy sản, thực hiện các hoạt động chế biến, sơ chế hoặc đưa sản phẩm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi ra thị trường.
(2) Các thành viên thuộc nhóm nếu: (i) chi phí chứng nhận riêng lẻ chiếm hơn 2% doanh thu của mỗi thành viên, hoặc doanh thu bán sản phẩm hữu cơ không quá 25.000 Euro hàng năm, hoặc doanh thu bán sản lượng hữu cơ không quá 15.000 Euro/năm. (ii) Thành viên nhóm sở hữu nhiều nhất 5 hecta, hoặc 0,5 hecta trong trường hợp là nhà kính, hoặc 15 hecta là đồng cỏ vĩnh viễn.
(3) Nhóm điều hành phải được thành lập ở một quốc gia thành viên hoặc một quốc gia thứ ba.
(4) Nhóm phải có tư cách pháp nhân.
(5) Nhóm chỉ bao gồm các thành viên có hoạt động về sản xuất nêu trên và gần nhau về mặt địa lý.
(6) Nhóm điều hành cần phải thiết lập một hệ thống tiếp thị chung cho các sản phẩm mà nhóm sản xuất ra, đồng thời thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ (ICS – Internal Control System) là các quy trình, thủ tục, tài liệu dưới dạng văn bản.
Cơ quan có thẩm quyền hoặc CB có quyền thu hồi giấy chứng nhận hữu cơ của toàn bộ nhóm nếu có sai phạm, không tuân thủ trong việc thiết lập hoặc vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ (ICS) làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của sản phẩm hữu cơ hoặc sản phẩm hữu cơ chuyển đổi.
3. Vật liệu nhân giống (Plant Reproductive Material – PRM) theo Quy định hữu cơ Châu Âu EC (2018/848)
Vật liệu nhân giống (PRM) bao gồm cả thực vật và các bộ phận của thực vật như là hạt tại bất kỳ giai đoạn phát triển nào có khả năng tạo ra cây trồng. PRM có thể được bán trên thị trường dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Cơ sở dữ liệu về PRM sẽ được các quốc gia thành viên cập nhật thường xuyên khi sản phẩm đã đăng ký.
Hình 3: Vật liệu nhân giống
Trong trường hợp vật liệu tái tạo thực vật được sử làm làm đầu vào sản xuất hữu cơ nên ưu tiên các giống được chọn lọc có khả năng đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu cụ thể của nông nghiệp hữu cơ. Người nông dân có thể sử dụng vật liệu tái tạo thực vật từ ruộng/ vườn của họ để nuôi dưỡng các nguồn gen thích nghi với điều kiện đặc biết trong sản xuất hữu cơ.
PRM đáp ứng được thời gian chuyển đổi ít nhất 12 tháng sẽ được bán dưới dạng sản phẩm hữu cơ chuyển đổi.
PRM có nguồn gốc từ GMOs bị cấm trong sản xuất hữu cơ.
4. Công nhận hồi tố (Retroactive Recognition) theo quy định hữu cơ Châu Âu EC (2018/848)
Ủy ban sẽ thông qua các hành động thực hiện cụ thể hóa thông qua các tài liệu được cung cấp cho mục đích công nhận hồi tố về khoảng thời gian trước giai đoạn nhà điều hành bắt đầu thực hiện chuyển đổi hữu cơ. Công nhận hồi tố có thể được thông qua nếu:
(1) Mảnh đất đảm bảo không có các sản phẩm hoặc các chất cấm sử dụng trong sản xuất hữu cơ và có bằng chứng cụ thể;
(2) Hoặc nhà điều hành có thể chứng minh rằng các thửa đất canh tác là khu vực tự nhiên hoặc nông nghiệp bỏ hoang trong thời gian ít nhất 3 năm và không được xử lý bằng các chất cấm trong sản xuất hữu cơ mà tiêu chuẩn đã quy định.
5. Hương vị tự nhiên (Natural Flavouring) theo EC (2018/848)
Sản phẩm là chất tạo hương tự nhiên hoặc các chế phẩm tạo hương tự nhiên được sử dụng trong chế biến thực phẩm hữu cơ phải được dãn nhãn theo quy định (EC) số 1334/2008.
Hình 4: Hình ảnh mô tả hương tự nhiên
5. Thành phần nông nghiệp (Agricultural Ingredient) EC (2018/848)
Thành phần nông nghiệp được sử dụng trong sản xuất hữu cơ bao gồm thành phần nông nghiệp hữu cơ và thành phần nông nghiệp phi hữu cơ. Trong sản xuất thực phẩm chế biến, thành phần nông nghiệp phi hữu cơ có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất có điều kiện theo quy định của mỗi quốc gia thành viên. Thành phần nông nghiệp phi hữu cơ có thể được sử dụng với điều kiện nằm trong danh sách các chất và thành phần cho phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ đã được tiêu chuẩn hữu cơ quy định.
Đối với thực phẩm chế biến hữu cơ, ít nhất 95% được tính theo trọng lượng là thành phần nông nghiệp hữu cơ.
Nguồn tài liệu: Quy định hữu cơ Châu Âu – EC(2018/848).